I.VỀ CHẾ ĐỘ KẾ TOÁN
Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam phải tổ chức hạch toán kế toán theo Chế độ kế toán của Việt Nam để theo dõi, phản ánh quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
* Với hệ thống tài khoản kế toán
Khoản 1, Điều 9 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính quy định:
a)Doanh nghiệp căn cứ vào hệ thống tài khoản kế toán của Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành kèm theo Thông tư này để vận dụng và chi tiết hoá hệ thống tài khoản kế toán phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh, yêu cầu quản lý của từng ngành và từng đơn vị, nhưng phải phù hợp với nội dung, kết cấu và phương pháp hạch toán của các tài khoản tổng hợp tương ứng.
b)Trường hợp doanh nghiệp cần bổ sung tài khoản cấp 1, cấp 2 hoặc sửa đổi tài khoản cấp 1, cấp 2 về tên, ký hiệu, nội dung và phương pháp hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đặc thù phải được sự chấp thuận bằng văn bản của Bộ Tài chính trước khi thực hiện.
c)Doanh nghiệp có thể mở thêm các tài khoản cấp 2 và các tài khoản cấp 3 đối với những tài khoản không có quy định tài khoản cấp 2, tài khoản cấp 3 tại danh mục Hệ thống tài khoản kế toán doanh nghiệp quy định tại phụ lục 1 – Thông tư này nhằm phục vụ yêu cầu quản lý của doanh nghiệp mà không phải đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận”.
Căn cứ hướng dẫn nêu trên, Công ty phải tổ chức hạch toán kế toán theo Chế độ kế toán của Việt Nam để theo dõi, phản ánh quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Trường hợp Công ty muốn sử dụng hệ thống tài khoản kế toán nước mình để phù hợp và thống nhất với hoạt động quản lý của tập đoàn, Công ty phải có văn bản đề nghị Bộ Tài chính chấp thuận thì mới được áp dụng.
II.VỀ ĐƠN VỊ TIỀN TỆ SỬ DỤNG
Căn cứ theo quy định của thông tư 200/2014/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán Doanh nghiệp do Bộ tài chính ban hành tại Điều 3 về đơn vị tiền tệ trong tế toán:
“Đơn vị tiền tệ trong kế toán là Đồng Việt Nam (Ký hiệu quốc gia là “đ”) được sử dụng để ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính của Doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 thông tư này thì được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán.
III.CÁC CÔNG VIỆC MÀ KẾ TOÁN THUẾ PHẢI LÀM
Đối với doanh nghiệp mới thành lập
☑ Kê khai thuế ban đầu
☑ Mua token ( chữ ký số nộp tờ khai thuế qua mạng)
☑ Mở tài khoản ngân hàng
☑ Đăng ký nộp thuế điện tử
☑ Nộp tờ khai thuế môn bài
☑ Nộp tiền thuế môn bài
☑ Hỗ trợ đăng ký hóa đơn điện tử.
☑ Thông báo phát hành hóa đơn
☑ Thông báo tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp cho Sở kế hoạch đầu tư
☑ Nộp hồ sơ khai thuế ban đầu theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế
Kế toán cho doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, công việc của một kế toán sẽ làm:
+ Lập và nộp tờ khai thuế GTGT
+ Lập và nộp tờ khai thuế TNDN tạm tính
+ Lập và nộp tờ khai thuế TNCN tạm tính
+ Theo dõi tình hình sử dụng hóa đơn
+ Lập sổ sách kế toán
+ Lập bảng lương, tính thuế TNCN, tính BHXH
+ Đăng ký MST cá nhân cho người lao động và đăng ký giảm trừ người phụ thuộc cho người lao động nếu có
+ Lập báo cáo tài chính
+ Quyết toán thuế TNDN
+ Quyết toán thuế TNCN
+ Nộp tiền thuế cho doanh nghiệp
+ Giải trình với cơ quan thuế khi có yêu cầu
+ Kê khai và làm việc với cơ quan BHXH, phòng Lao động thương binh xã hội
+ Đăng ký thang bảng lương và trích lập qũy công đoàn hàng năm
Cách thức kê khai, hạch toán không khác so với kế toán công ty Việt Nam. Kế toán kê khai và nộp thuế trên trang Web https://thuedientu.gdt.gov.vn/.
Công ty có vốn đầu tư nước ngoài là pháp nhân Việt Nam và phải tuân thủ theo Quy định pháp luật của Việt Nam. Do vậy về nghĩa vụ thuế, công ty phải tuân thủ theo quy định của Luật quản lý thuế. Ngoài ra, Công ty có vốn đầu tư nước ngoài sẽ bắt buộc phải nộp thêm một số loại báo cáo khác như: Báo cáo kiểm toán, Báo cáo tình hình sử dụng lao động hàng năm.
Công ty bắt buộc phải có Kế toán trưởng?
”Căn cứ theo Điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CP quy định thì doanh nghiệp có vốn nước ngoài là đối tượng phải bố trí kế toán trưởng hoặc nếu chưa có kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định.”
Những quy định về các khoản thuế?
1. Thuế Giá trị gia tăng ( GTGT – VAT)
Với doanh nghiệp đầu tư vào Việt nam kinh doanh thương mại/ sản xuất bán sản phẩm/ dịch vụ trong nước: Số tiền thuế VAT sẽ giống 100% với doanh nghiệp tại Việt Nam. Điều này được quy định chi tiết trong luật thuế.
Nếu nhà đầu tư nước ngoài mở doanh nghiệp tại Việt Nam với mục tiêu: Xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài ( Chủ yếu xuất sang nước đang đầu tư) thì sẽ cần chú ý 1 số thông tin sau:
Kiểm tra giấy chứng nhận đầu tư có phần thông tin ghi “ Doanh nghiệp được áp dụng chính sách cho doanh nghiệp chế xuất nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định cho doanh nghiệp chế xuất” hay không?
- Trường hợp 1: Được áp dụng chính sách cho doanh nghiệp chế xuất
DN Không thuộc đối tượng kê khai thuế GTGT
Hàng hoá mua vào bên bán sẽ làm hải quan tại chỗ với mức thuế VAT 0%
Trường hợp này do đã được ưu đãi thuế đầu vào nên sẽ không có phát sinh hoàn lại thuế VAT
- Trường hợp 2: Không thuộc đối tượng áp dụng chính sách cho doanh nghiệp chế xuất
- Đầu ra xuất khẩu: 0%
- Đầu vào: Được hoàn thuế đầu vào
- Điều kiện hoàn thuế:
Số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ 300tr trở lên để được làm thủ tục hoàn thuế.
Mỗi đợt hoàn thuế cơ quan thuế sẽ thực hiện kiểm tra trước hoặc sau hoàn thuế.
2. Thuế TNDN
Phần Thuế thu nhập doanh nghiệp của tất cả các dự án đầu tư nước ngoài, về cơ bản sẽ giống với các doanh nghiệp ở Việt nam nếu không thuôc đối tượng ưu đãi
Thuế TNDN = ( Tổng doanh thu – Tổng chi phí hợp lệ ) x20%
Tuy nhiên, sẽ có những doanh nghiệp được ưu đãi về thuế, dựa trên vị trí đăng ký dự án ( chế xuất)
- Xác định cụ thể vị trí của dự án nằm trong khu công nghiệp nào để xác định ưu đãi thuế TNDN cho DN trong khu công nghiệp
- Miễn thuế 2 năm, giảm 50% trong 4 năm tiếp theo đối với doanh nghiệp trong khu công nghiệp , không thuộc địa bàn có điều kiện thuận lợi
Căn cứ khoản 3, điều 16, nghị định 218:
Miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại Khoản 3 Điều 15 Nghị định này và thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư mới tại khu công nghiệp (trừ khu công nghiệp nằm trên địa bàn có điều kiện – kinh tế xã hội thuận lợi).
Địa bàn có điều kiện – kinh tế xã hội thuận lợi quy định tại Khoản này là các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc tỉnh; trường hợp khu công nghiệp nằm trên cả địa bàn thuận lợi và địa bàn không thuận lợi thì việc xác định ưu đãi thuế đối với khu công nghiệp căn cứ vào địa bàn có phần diện tích khu công nghiệp lớn hơn. Việc xác định đô thị loại đặc biệt, loại I quy định tại Khoản này thực hiện theo quy định của Chính phủ quy định về phân loại đô thị.)
Với doanh nghiệp thương mại:
- Địa bàn được hưởng ưu đãi đầu tư:
- Khu công nghiệp ( ngoại trừ KCN nằm trong khu vực có điều kiện kinh tế thuận lợi): Miễn thuế 2 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo
- Địa bàn kinh tế khó khăn: Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, thuế suất 17% trong 10 năm.
- Địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn: Miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo, Thuế suất 10% trong 15 năm.
Trường hợp không thuộc đối tượng ưu đãi => Thuế suất thuế TNDN : 20%
- Thuế TNDN = ( Tổng doanh thu – Tổng chi phí hợp lệ ) x20%
- Tổng doanh thu: Tổng doanh thu căn cứ trên hóa đơn, invoice thương mại khi xuất khẩu
Chi phí hợp lệ : Là các khoản chi phí có đầy đủ hóa đơn chứng từ theo quy định của pháp luật về thuế, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp
3. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
- Thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương của người nước ngoài
- Ở Việt Nam dưới 183 ngày => Cá nhân không cư trú => Thuế suất thuế TNCN: 20%
- Ở Việt Nam từ đủ 183 ngày => Cá nhân cư trú => Thuế suất thuế TNCN: 10%
- Chia lợi nhuận:
- Chỉ chia khi doanh nghiệp có lãi
- Thuế TNCN từ đầu tư vốn ( lợi nhuận được chia): 5%
MỘT SỐ LƯU Ý:
Lợi nhuận của nhà đầu tư nước ngoài có thể chuyển ra nước ngoài vào thời điểm nào?
Doanh nghiệp có thể lựa chọn chuyển lợi nhuận ra nước ngoài hàng năm hoặc khi kết thúc hoạt động đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Cho dù vào thời điểm nào thì doanh nghiệp cũng phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước Việt Nam theo quy định của Pháp luật, đã nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán và tờ khai quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp năm tài chính cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của Luật quản lý thuế.
Chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì có phải nộp thuế không?
Chuyên gia nước ngoài cư trú hay không cư trú làm việc tại Việt Nam, có phát sinh lương tại Công ty tại Việt Nam thì phải kê khai, nộp thuế Thu nhập cá nhân như Lao động Việt Nam.
Chuyên gia nước ngoài cư trú hay không cư trú, sang Việt Nam công tác nhưng không phát sinh thu nhập tại Việt Nam nếu không đủ điều kiện làm thủ tục miễn thuế TNCN thì phải tự đi kê khai, quyết toán thuế với cơ quan thuế vì không đủ điều kiện ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập. Hồ sơ quyết toán theo mẫu của cơ quan thuế cùng với các hồ sơ chứng minh thu nhập tại nước ngoài và các hồ sơ kê khai nộp thuế tại nước ngoài.
Trường hợp cá nhân cư trú có thu nhập phát sinh tại nước ngoài đã tính và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quy định của nước ngoài thì được trừ số thuế đã nộp ở nước ngoài. Số thuế được trừ không vượt quá số thuế phải nộp tính theo biểu thuế của Việt Nam tính phân bổ cho phần thu nhập phát sinh tại nước ngoài. Tỷ lệ phân bổ được xác định bằng tỷ lệ giữa số thu nhập phát sinh tại nước ngoài và tổng thu nhập chịu thuế.
Hồ sơ gồm có: Bảng lương,bảng chấm công của thu nhập tại nước ngoài, thư xác nhận thu nhập tại nước ngoài, chứng từ nộp thuế TNCN tại nước ngoài
+ Trường hợp chuyên gia nước ngoài đáp ứng điều kiện là cá nhân cư trú trong năm tính thuế thì thu nhập chịu thuế TNCN là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả thu nhập. Cá nhân thực hiện kê khai thuế TNCN theo Biểu thuế lũy tiến từng phần hướng dẫn tại khoản 7 Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và khoản 7 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
+Trường hợp chuyên gia nước ngoài đáp ứng điều kiện là cá nhân không cư trú trong năm tính thuế thì thu nhập chịu thuế TNCN là thu nhập phát sinh tại Việt Nam (không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập). Cá nhân thực hiện kê khai thuế theo thuế suất 20% hướng dẫn tại khoản 8 Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC và khoản 8 Điều 16 Thông tư 156/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
– Nếu người nước ngoài là cá nhân không cư trú trong năm (tính đến ngày xuất cảnh) thì không cần thực hiện thủ tục quyết toán thuế, cá nhân chỉ phải khai thuế hàng tháng, hàng quý theo quy định.
– Nếu người nước ngoài là cá nhân cư trú tính đến ngày xuất cảnh thì phải thực hiện quyết toán thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công. Hạn chót nộp hồ sơ khai thuế là ngày thứ 45 kể từ ngày cá nhân xuất cảnh.
Hóa đơn thuê nhà cho chuyên gia nước ngoài ở có được khấu trừ thuế giá trị gia tăng không?
Trường hợp doanh nghiệp có các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam công tác, giữ các chức vụ quản lý tại Việt Nam, hưởng lương tại Việt Nam theo hợp đồng lao động ký với cơ sở kinh doanh tại Việt Nam thì cơ sở kinh doanh không được khấu trừ thuế GTGT của khoản tiền thuê nhà cho các chuyên gia nước ngoài này.
Trên đây là những chia sẻ của Kế toán – Kiểm toán MVA về quy trình hoạt động kế toán, kiểm toán của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, nếu còn thắc mắc quý độc giả có thể liên hệ đến kế toán MVA để được giải đáp và biết thêm thông tin.